Câu hỏi của khách hàng:
Tôi là Trần Văn X, ngày 13/5/2019, tôi vào làm việc tại Công ty C, có trụ sở: đường D10, xã A, thị xã B, tỉnh D, chức danh tài xế lái xe. Thời gian thử việc 01 tháng với mức lương là: 8.500.000 đồng (Tám triệu năm trăm nghìn đồng). Sau khi hết thời gian thử việc vào ngày 13/6/2019 thì tôi đã nhiều lần liên hệ với công C để ký hợp đồng chính thức. Tuy nhiên, tại đây công ty C có hứa hẹn với anh X là đang soạn hợp đồng lao động sẽ đưa tôi ký sau và nói tôi cứ làm việc bình thường. Mức lương chính thức của tôi từ tháng 6 nhận được là: 9.000.000 đồng/01 tháng. Đến ngày 22/8/2019, tôi đang làm việc tại công C thì nhận được quyết định số: 03/QĐ về việc thanh lý hợp đồng lao động với tôi. Từ đó, Công ty C không cho tôi đến công ty làm việc nữa.
Tôi muốn hỏi là Công ty C đơn phương chấm dứt hợp đồng với tôi như vậy là đúng hay sai? Tôi cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Mong cong ty Luật Việt Việt tư vấn giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Công ty Luật Việt Việt xin chân thành cảm ơn câu hỏi của Qúy khách hàng đã gửi đến cho công ty. Với những băn khoăn, vướng mắc của Quý khách hàng chúng tôi xin được tư vấn giải đáp như sau:
Thứ nhất: Xác định mối quan hệ lao động
Bạn và Công ty C đang tồn tại mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, căn cứ bởi Hợp đồng thử việc ngày 13/05/2019, khi hết thời gian thử việc là 01 tháng (ngày 13/6/2019) nhưng bạn vẫn đi làm cho đến ngày 22/8/2019, nhận lương hàng tháng là 9.000.000 đồng. Như vậy, khi hết thời gian thử việc thì công ty C phải giao kết hợp đồng với bạn theo khoản 1, Điều 29 Bộ luật lao động năm 2012: “Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động”
Tại khoản 2, Điều 22 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về loại hợp đồng lao động thì “Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b (Hợp đồng lao động xác định thời hạn) và điểm c (Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng) khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng”.
Thứ hai: Hành vi của công ty C đang vi phạm pháp luật.
- Khi kết thúc thời gian thử việc, bạn vẫn đến công ty C làm việc mà công ty C vẫn chưa ký hợp đồng lao động với anh X thì hành vi của công ty C đang vi phạm pháp luật tại Điều 5, Nghị định Số: 88/2015/NĐ-CP, ngày 07 tháng 10 năm 2015 Sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 của chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
“Điều 5. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động
- Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
- a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.”
- Công ty C đưa Quyết định số: 03/QĐ về việc thanh lý hợp đồng lao động với bạn với lý do: kết quả thử việc không đạt đó là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật của Công ty C. Căn cứ tại Điều 41, 42 của BLLĐ năm 2012 quy định về Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như sau:
“Điều 41. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại các điều 37, 38 và 39 của Bộ luật này.”
Do Công ty C đã đương phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với bạn nên Công ty C có nghĩa vụ phải:
– Nhận bạn trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày bạn không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
– Trường hợp bạn không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường trên thì Công ty C phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật lao động năm 2012.
– Trường hợp Công ty C không muốn nhận lại bạn và bạn đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường trên và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật lao động năm 2012, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
– Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà bạn vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường trên, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
– Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì Công ty C phải bồi thường cho bạn một khoản tiền tương ứng với tiền lương của bạn trong những ngày không báo trước.”
Thứ ba: trình tự thủ tục giải quyết hành vi công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
Bước 1: Thương lượng, hòa giải tại cơ sở
Bạn có thể nhờ Công đoàn tại công ty đứng ra tổ chức hòa gải hoặc bạn nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ban quản lý các khu công nghiệp tại nơi công ty có trụ sở, Công đoàn các Khu công nghiệp tại nơi công ty có trụ sở hoặc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tại nơi trụ sở của công ty (Theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 7 Thông tư 08/2013/TT-BLĐTBXH).
Bước 2: Nộp đơn khởi kiện tại Tòa án cấp huyện nơi công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết theo quy định tại Điều 39, 40 của BLTTDS năm 2015
*Hồ sơ gồm:
– Đơn khởi kiện
– Bản sao Giấy CMND (Hộ chiếu); Hộ khẩu (có Sao y bản chính).
– Hợp đồng lao động thử việc ngày 13/5/2019.
– Quyết định chấm dứt HĐ lao động số: 03/QĐ ngày 22/8/2019.
– Quyết định, biên bản hòa giải của hòa giải viên lao động của cơ quan lao động cấp quận, huyện của Hội đồng hòa giải cấp cơ sở (nếu có).
– Bảng sao kê bảng lương (nếu có).
*Lưu ý: Các tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, người sử dụng lao động/ Người lao động mà khởi kiện lên Tòa án thì chỉ được Tòa án giải quyết nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau:
+ Tranh chấp lao động đã được hòa giải viên tiến hành hòa giải nhưng không thành;
+ Khi hết thời hạn giải quyết (05 ngày) mà hòa giải viên không hòa giải theo quy định của pháp luật kể từ khi các bên tranh chấp có yêu cầu hòa giải viên lao động hòa giải;
+ Tranh chấp đã được hòa giải thành, nhưng một trong các bên không thực hiện đúng những thỏa thuận thể hiện trong biên bản hòa giải;
Tuy nhiên, trường hợp của bạn là tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nên không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải mà có thể trực tiếp nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nơi trụ sở của công ty để yêu cầu giải quyết: (Theo Điều 201 Bộ luật lao động năm 2012)
Bước 3: Tòa án thụ lý giải quyết:
Thời gian tòa án giải quyết tranh chấp lao động sẽ kéo dài khoản 4 tháng đến 6 tháng, tùy theo thuộc vào tính chất, độ phức tạp của tranh chấp mà thời gian giải quyết có thể lâu hơn.
Bước 4: Nhận bản án hoặc quyết định của Tòa án
Sau khi có bản án sơ thẩm của Tòa án nếu không đồng ý phán quyết của Tòa án, bạn có thể nộp đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa tuyên án hoặc trường hợp không có mặt tại ngày tuyên án thì trong 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án theo quy định.
Bước 5: Nộp đơn và hồ sơ thi hành án để yêu cầu thực hiện theo bản án/quyết định có hiệu lực pháp luật
*Hồ sơ nộp thi hành án và yêu cầu thi hành án (nếu có) gồm:
– Đơn yêu cầu thi hành án;
– Giấy tờ của người khởi kiện: Sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng;
– Bản án sơ thẩm và trích lục bản án sơ thẩm trong trường hợp bản án sơ thẩm không bị kháng cáo hoặc kháng nghị và có hiệu lực theo quy định pháp luật;
– Bản án phúc thẩm (nếu có kháng cáo);
Thứ tư: Án phí
Bạn thuộc trường hợp Người lao động bị Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật nên được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án (Theo điểm a, khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14)
Thứ năm: Thời hiệu khởi kiện
Thời hiệu để bạn yêu cầu Tòa án giải quyết là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bạn cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm theo quy định tại Khoản 2 Điều 202 Bộ luật lao động năm 2012.
Mọi thông tin cần hỗ trợ liên quan pháp luật về lĩnh vực đất đai.
Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
- Công ty Luật Việt Việt
- Web: https://luatvietviet.vn
- Email/facebook: luatvietviet@gmail.com
- Điện thoại, Zalo: 0987.706.103
- Địa chỉ: 334 Đại lộ Bình Dương, Phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
XEM THÊM:
QUY ĐỊNH VỀ MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM VIỆC THEO HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
NHỮNG ĐIỂM NGƯỜI LAO ĐỘNG CẦN LƯU Ý KHI BỘ LUẬT LAO ĐỘNG SỐ 45/2019/QH14 CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT