“Con của vợ hai và vợ hai của cha có được hưởng thừa kế không” là một trong những câu hỏi thường được nhắc đến trong quan hệ pháp luật thừa kế. Để giúp Quý bạn đọc có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này, Luật Việt Việt xin chia sẻ một câu chuyện pháp lý về vấn đề trên thông qua tình huống dưới đây.
Câu chuyện pháp lý:
Sau khi vợ chết, ông A mới kết hôn với chị B năm 2019. Trước khi kết hôn ông A có 02 người con riêng, có 01 căn nhà và mảnh đất toạ lạc xã X, huyện Y, tỉnh Z. Căn nhà với đất này là tài sản chung của ông A và người vợ trước và hiện sổ đất vẫn đứng tên ông A và người vợ trước (người vợ trước của ông A chết năm 2015), cha và mẹ của người vợ trước và của ông A đều chết trước năm 2013. Sau khi kết hôn thì ông A, chị B, con riêng của ông A, con chung của hai vợ chồng cùng chung sống trên căn nhà này.
Không may năm 2022, ông A lâm bệnh và chết. Khi chết thì ông A không để lại di chúc. Sau khi ông A chết được 03 tháng thì hai người con riêng của ông A đuổi mẹ con chị B ra khỏi nhà, vì cho rằng đây là tài của ông A và vợ trước, chị B không có công sức đóng góp gì, chỉ ở ké. Nên giờ ông A chết thì hai người con riêng được toàn quyền đối với căn nhà và mảnh đất toạ lạc xã X, huyện Y, tỉnh Z.
Chị gái hỏi chồng của chị chết, con riêng của chồng chị đuổi chị ra khỏi nhà như vậy đúng không. Căn nhà hai vợ chồng chị ở là tài sản chung của chồng chị và vợ trước, chị không có công sức đóng góp gì, chỉ ở chung với chồng chị từ năm 2015 đến khi chồng chị chết, giờ chồng chị chết thì con riêng của chồng chị nói chị không liên quan gì tài sản này, hai người con riêng được toàn quyền đối với căn nhà và mảnh đất toạ lạc xã X, huyện Y, tỉnh Z là đúng hay không.
Hiện chị phát hiện sự việc hai người con riêng của chồng đã tự ý làm thủ tục phân chia di sản thừa kế, bỏ tên của chị và con chị ra ngoài. Hiện hai người con riêng đã được cấp “sổ đỏ”. Chị phải làm sao để bảo vệ quyền lợi của chị và người con chung sinh năm 2019.
Xin trả lời tình huống trên như sau:
Thứ nhất, về việc đuổi hai mẹ con của Chị B ra khỏi căn nhà của hai người con riêng.
Đây là hành vi vi phạm Điều 59 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Viện dẫn nội dung:
Điều 59. Hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa bằng bạo lực để buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.
Để bảo vệ quyền lợi của mình và con thì Chị B có thể nộp đơn đến Ủy ban nhân dân xã X và Ủy ban nhân dân huyện Y để trình báo sự việc, đề nghị xử lý hành vi buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ theo quy định nêu trên.
Thứ hai, liên quan căn nhà và mảnh đất toạ lạc xã X, huyện Y, tỉnh Z.
Theo chị B trình bày, chồng chị có một căn nhà và đất toạ lạc xã X, huyện Y, tỉnh Z là tài sản chung của chồng chị và vợ trước, khi vợ trước chết năm 2015 thì chồng chị chưa làm thủ tục phân chia di sản thừa kế nên hiện nay sổ đất vẫn đứng tên của chồng chị và vợ trước.
Căn cứ Điều 612 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
“Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.
Mặc dù tài sản này có nguồn gốc tài sản chung của chồng chị và vợ trước chưa phân chia tại thời điểm người vợ trước chết năm 2015. Thì phần tài sản của chồng chị B có trong khối tài sản chung này vẫn là di sản thừa kế của chồng Chị B chết để lại căn cứ điều 612 Bộ luật dân sự.
Do chồng chị B chết không để lại di chúc, nên phát sinh quyền thừa kế theo pháp luật căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông A (chồng chị B). Theo Điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự thì hàng thừa kế thứ nhất của ông A gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Cụ thể trong trường hợp của chị gồm:
– Vợ: chị B
– 02 người con riêng của ông A
– Con chung của chị và ông A
Tuy nhiên căn nhà và đất toạ lạc xã X, huyện Y, tỉnh Z là tài sản chung của vợ trước và ông A. Đây là di sản thừa kế của vợ trước và ông A chết để lại. Tại thời điểm năm 2015 chưa thực hiện thủ tục phân chia nên sẽ phát sinh quyền thừa kế theo pháp luật căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của vợ trước của ông A gồm:
– Cha ruột và mẹ ruột của vợ trước của ông A: đã chết trước năm 2013 nên sẽ không được xem là người thừa kế của vợ trước ông A tại thời điểm năm 2015
– Chồng của vợ trước ông A: ông A
– Con: 02 người con chung của vợ trước ông A và ông A.
Theo thông tin chị B cho biết, hiện hai người con riêng của chồng đã làm thủ tục phân chia di sản thừa kế đối với căn nhà và đất tọa lạc xã X, huyện Y, tỉnh Z, mà bỏ thông tin của chị B và con chung của hai vợ chồng chị.
Nhận định việc hai người con riêng của chồng đã làm thủ tục phân chia di sản thừa kế đối với căn nhà và đất tọa lạc xã X, huyện Y, tỉnh Z, mà bỏ thông tin của chị B và con chung của hai vợ chồng chị là vi phạm pháp luật.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, Chị B có thể lựa chọn một trong các phương án tư vấn như sau:
- Nói chuyện trực tiếp hoặc nhờ một người uy tín trong thân tộc nói chuyện với hai người con riêng của chồng để thương lượng giải quyết. Vì dù gì cũng là con của chồng chị, cũng là anh chị của con chị.
- Trong trường hợp không thương lượng được, Chị B có thể khởi kiện tại Toà án nhân dân huyện Y để yêu cầu phân chia di sản thừa kế của chồng chị để lại có trong căn nhà và đất toạ lạc xã X, huyện Y, tỉnh Z.
* Hồ sơ chị cần chuẩn bị:
– Thông tin căn nhà và đất toạ lạc xã X, huyện Y, tỉnh Z (nếu có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì nộp kèm theo);
– Giấy chứng tử của chồng chị B;
– Giấy khai sinh của con chung chị B và chồng chị B;
– Giấy kết hôn của chị B;
– Căn cước công dân/chứng minh nhân dân của chị B;
– Sổ hộ khẩu hoặc Giấy xác nhận thông tin nơi cư trú của chị B;
– Thông tin của cha, mẹ chồng của chị B: Ngày sinh, ngày chết;
– Thông tin của vợ trước của ông A: Ngày sinh, ngày chết;
– Thông tin của hai người con riêng của ông A: ngày sinh, địa chỉ;
– Thông tin của cha và mẹ vợ trước của ông A: Ngày sinh, ngày chết.
* Trình tự, thủ tục thực hiện:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ nêu trên (bản sao hoặc bản sao y)
Bước 2: Soạn Bộ đơn khởi kiện
Bước 3: Nộp bộ đơn khởi kiện tại Toà án nhân dân huyện Y;
Bước 4: Đóng tiền tạm ứng án phí;
Bước 5: Tham gia giải quyết cấp sơ thẩm tại Toà án nhân dân huyện Y;
Bước 6: Kháng cáo nếu không đồng ý với Bản án của Toà án nhân dân huyện Y: Soạn và nộp đơn kháng cáo;
Bước 7: Tham gia giải quyết cấp phúc thẩm tại Toà án nhân dân tỉnh Z;
Bước 8: Nộp hồ sơ yêu cầu thi hành án tại Chi cục thi hành án huyện Y, tham gia làm việc và nhận kết quả.
Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật Việt Việt gửi tới quý bạn đọc. Nếu bạn có bất cứ thắc mắc gì khác hoặc cần tư vấn chuyên sâu bạn có thể liên hệ với chúng tôi theo thông tin bên dưới.
Mọi thông tin cần hỗ trợ vui lòng liên hệ:
- Công ty Luật Việt Việt
- Web: https://luatvietviet.vn
- Email/facebook: luatvietviet@gmail.com
- Điện thoại, Zalo: 0987.706.103
- Địa chỉ trụ sở: Số 334, Kp 2, phường Mỹ Phước, Tx Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
- VPGD số 1: Số 280, Kp 4, phường Uyên Hưng, Tx Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Xem thêm:
10 Hành vi phạm tội mà người bị hại có quyền quyết định tù tội của bên kia
Đang được hưởng án treo có được phép đi làm, đi xa hay đi làm ở tỉnh khác?
Thương nhân nước ngoài chấm dứt hoạt động tại Việt Nam khi nào?