Khi chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động nước ngoài thông qua con đường thoả thuận thì công ty cần phải thực hiện những thủ tục nào? Bài viết sau đây của Luật Việt Việt sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề nêu trên.
Khi chấm dứt hợp đồng lao động với người nước ngoài thì công ty cần phải thực hiện những thủ tục sau đây:
1. Thực hiện thủ tục thông báo chấm dứt bảo lãnh
Theo Điều 45 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 về Quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh như sau
“1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh có các quyền sau đây:
a) Cơ quan, tổ chức được thành lập hợp pháp tại Việt Nam được mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, lĩnh vực hoạt động;
b) Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước được mời, bảo lãnh ông, bà, cha, mẹ của vợ hoặc chồng; vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột là người nước ngoài vào Việt Nam thăm;
c) Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước được bảo lãnh cha, mẹ, vợ, chồng, con là người nước ngoài xin thường trú hoặc xin cấp thẻ tạm trú tại Việt Nam.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh có các trách nhiệm sau đây:
a) Làm thủ tục mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú theo quy định của Luật này;
b) Hướng dẫn, giải thích cho người nước ngoài chấp hành quy định của pháp luật và tôn trọng truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam;
c) Thực hiện trách nhiệm bảo lãnh theo quy định của pháp luật và phối hợp với cơ quan chức năng của Việt Nam giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến người nước ngoài đã mời, bảo lãnh;
d) Phối hợp với cơ quan chức năng về quản lý hoạt động của người nước ngoài theo đúng mục đích nhập cảnh trong thời gian tạm trú tại Việt Nam; phối hợp với cơ sở lưu trú thực hiện việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài;
đ) Làm thủ tục với cơ quan quản lý nhà nước về ngành, nghề, lĩnh vực quy định phải xin phép trước khi mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để hoạt động trong các ngành, nghề, lĩnh vực đó;
e) Thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh về việc người nước ngoài được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú còn thời hạn nhưng không còn nhu cầu bảo lãnh trong thời gian tạm trú tại Việt Nam và phối hợp với cơ quan chức năng yêu cầu người nước ngoài xuất cảnh.”
Căn cứ vào quy định trên có thể thấy khi thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động với người nước ngoài thì Công ty sẽ phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh về việc không còn nhu cầu bảo lãnh trong thời gian tạm trú tại Việt Nam và phối hợp yêu cầu cá nhân này xuất cảnh.
2. Thực hiện thủ tục thu hồi giấy phép lao động
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 20 Nghị định 152/2020/NĐ-CP về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam thì các trường hợp bị thu hồi Giấy phép lao động gồm:
“ 1. Giấy phép lao động hết hiệu lực theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 156 của Bộ luật Lao động.
2. Người sử dụng lao động hoặc người lao động nước ngoài không thực hiện đúng quy định tại Nghị định này.
3. Người lao động nước ngoài trong quá trình làm việc ở Việt Nam không thực hiện đúng pháp luật Việt Nam làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội.”
Trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động theo thỏa thuận thuộc Khoản 2 Điều 156 Bộ luật Lao động 2019 nên trình tự thủ tục thu hồi thực hiện theo Điều 21 Nghị định 152/2020/NĐ-CP gồm:
“1. Đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định này thì trong 15 ngày kể từ ngày giấy phép lao động hết hiệu lực, người sử dụng lao động thu hồi giấy phép lao động của người lao động nước ngoài để nộp lại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó kèm theo văn bản nêu rõ lý do thu hồi, trường hợp thuộc diện thu hồi nhưng không thu hồi được.
2. Đối với trường hợp quy định tại khoản 2, 3 Điều 20 Nghị định này thì Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động ra quyết định thu hồi giấy phép lao động theo Mẫu số 13/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và thông báo cho người sử dụng lao động để thu hồi giấy phép lao động của người lao động nước ngoài và nộp lại cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy phép lao động đã thu hồi, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản xác nhận đã thu hồi giấy phép lao động gửi người sử dụng lao động.”
3. Thực hiện thủ tục quyết toán thuế cho lao động nước ngoài
Ngoài ra, Công ty cần thực hiện thủ tục quyết toán thuế cho lao động nước ngoài.
Theo quy định tại điểm d.3, khoản 6, Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý thuế quy định cụ thể như sau:
“Cá nhân là người nước ngoài kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam khai quyết toán thuế với cơ quan thuế trước khi xuất cảnh. Trường hợp cá nhân chưa làm thủ tục quyết toán thuế với cơ quan thuế thì thực hiện ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập hoặc tổ chức, cá nhân khác quyết toán thuế theo quy định về quyết toán thuế đối với cá nhân. Trường hợp tổ chức trả thu nhập hoặc tổ chức, cá nhân khác nhận ủy quyền quyết toán thì phải chịu trách nhiệm về số thuế thu nhập cá nhân phải nộp thêm hoặc được hoàn trả số thuế nộp thừa của cá nhân.”
Trên đây là một số điều cần lưu ý để thực hiện khi công ty chấm dứt hợp đồng lao động với người nước ngoài nhằm tránh các rắc rối pháp lý phát sinh sau này.
Mọi thông tin cần hỗ trợ liên quan pháp luật, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
- Công ty Luật Việt Việt
- Web: https://luatvietviet.vn
- Email/facebook: luatvietviet@gmail.com
- Điện thoại, Zalo: 0987.706.103
- Địa chỉ trụ sở chính: 334 Quốc lộ 13, Khu phố 2, phường Mỹ Phước, thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Xem thêm:
Tổng kết chương trình “Đồng hành bảo vệ thanh thiếu niên thời đại số năm 2024”