Từ xưa đến nay vấn đề bạo lực gia đình vẫn luôn là vấn đề muôn thuở, nó đang tồn tại và ngày càng phát triển đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Vậy khi bị bạo lực gia đình chúng ta cần làm gì? Người có hành vi bạo lực gia đình bị xử lý như thế nào?
1. Bạo lực gia đình là gì?
Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình theo khoản 2 Điều 1 Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007.
2. Bạo lực gia đình được thực hiện dưới hình thức nào?
– Bạo lực thể chất: là hành vi ngược đãi, đánh đập thành viên gia đình, làm tổn thương tới sức khỏe, tính mạng của họ.
– Bạo lực về tinh thần: là Lăng mạ hoặc những lời nói, thái độ, hành vi làm tổn thương tới danh dự, nhân phẩm, tâm lý của thành viên gia đình.
– Bạo lực về kinh tế: là hành vi xâm phạm tới các quyền lợi về kinh tế của thành viên gia đình (quyền tự do lao động, tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản…)
– Bạo lực về tình dục: là bất kỳ hành vi nào mang tính chất cưỡng ép trong các quan hệ tình dục giữa các thành viên gia đình, kể cả việc cưỡng ép sinh con.
Mỗi hình thức bạo lực có thể được biểu hiện dưới nhiều hành vi khác nhau như:
– Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng.
– Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
– Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng.
– Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.
– Cưỡng ép quan hệ tình dục.
– Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.
– Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình.
– Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính.
– Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
Những hành vị bạo lực gia đình trên cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng.
3. Khi là nạn nhân của bạo lực gia đình hoặc khi phát hiện có hành vi bạo lực gia đình thì nên làm như thế nào?
– Khi bị bạo lực gia đình hoặc phát hiện có hành vi bạo lực gia đình xãy ra thì có thể chọn một trong các hình thức sau để được giúp đỡ hoặc can thiệp từ pháp luật:
+ Báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất
+ Báo cho UBND cấp xã
+ Báo cho người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực.
– Nếu nhân viên y tế, nhân viên tư vấn khi thực hiện nhiệm vụ mà phát hiện hành vi bạo lực gia đình có dấu hiệu tội phạm thì phải báo ngay cho người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người đứng đầu cơ sở để báo cho cơ quan công an nơi gần nhất.
– Sau khi nhận được tin báo về hành vi bạo lực gia đình thì Cơ quan công an, UBND cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư sẽ tiến hành xử lý.
4. Nếu bạn là nạn nhân của bạo lực gia đình thì bạn có các quyền sau:
– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;
– Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;
– Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;
– Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này.
5. Chế tài xử lý đối với người có hành vi bạo lực gia đình:
Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.
Người thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình đã được góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư mà trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày áp dụng biện pháp này vẫn có hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Người có hành vi bạo lực gia đình đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà tiếp tục thực hiện hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; đối với người dưới 18 tuổi thì có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật thì bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục.
Pháp luật Việt Nam có quy định cụ thể các hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể là:
- Về xử lý hành chính:
Theo Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình như sau:
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
– Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
+ Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
– Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi xâm hại sức khỏe thành viên trong gia đình.
Theo Điều 50 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình như sau:
– Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;
+ Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.
– Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình.
Theo Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình như sau:
– Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
+ Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;
+ Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
– Biện pháp khắc phục hậu quả là:
+ Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình;
+ Buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh đối với hành vi tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
- Về xử lý hình sự:
Nếu việc bạo hành trong gia đình đến mức gây thương tích, để lại hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình” Theo quy định tại khoản 1 điều 185 BLHS 2015.
“Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình
1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.”
Mọi thông tin cần hỗ trợ liên quan pháp luật về lĩnh vực hôn nhân gia đình.
Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
- Công ty Luật Việt Việt
- Web: https://luatvietviet.vn/
- Email/facebook: luatvietviet@gmail.com
- Điện thoại, Zalo: 0987.706.103
- Hotline: 1900 868 639
- Địa chỉ: 334 Đại lộ Bình Dương, Phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
==> XEM THÊM:
QUY ĐỊNH VỀ VIỆC TÁCH HỘ ĐỐI VỚI TRƯỜNG HỢP “CÓ CÙNG MỘT CHỔ Ở HỢP PHÁP” CÓ HIỆU LỰC TỪ 1/7/2021
THỦ TỤC TẶNG CHO QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT GIỮA NGƯỜI THÂN TRONG GIA ĐÌNH ĐƯỢC THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO?