Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau, nhãn hiệu có thể là một cái tên, một logo hay là một câu slogan. Vậy muốn đăng ký nhãn hiệu thì cần phải chuẩn bị những gì và các thủ tục thực hiện ra sao?
Bài viết dưới đây Công ty Luật Việt Việt sẽ giải đáp những vấn đề trên.
1. Về điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ là gì?
– Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
– Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.
2. Ai được quyền đăng ký nhãn hiệu?
Không phải ai cũng có quyền đăng ký nhãn hiệu mà chỉ có những cá nhân, tổ chức thuộc quy định tại Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2019 thì mới có quyền đăng ký nhãn hiệu, cụ thể là:
– Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.
– Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất. Với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.
– Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể.
– Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận. Với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó.
– Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu. Với những điều kiện sau đây:
+ Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu. Hoặc sử dụng cho hàng hoá, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh.
+ Việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ.
– Người được chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ thông qua hợp đồng chuyển giao bằng văn bản; hoặc thừa kế. Với điều kiện tổ chức, cá nhân được chuyển giao phải đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký tương ứng.
– Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên thì người đại diện hoặc đại lý đó không được phép đăng ký nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
3. Quy trình đăng ký nhãn hiệu được thực hiện như thế nào?
Bước 1: Tra cứu và đánh giá khả năng của một nhãn hiệu
Tra cứu nhãn hiệu sản phẩm trên cổng thông tin dữ liệu của Cục Sở Hữu Trí Tuệ nhằm mục đích xác kiểm tra xem nhãn hiệu dự kiến đăng ký không bị trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của doanh nghiệp khác đã và đang đăng ký hay không.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ gồm
– Tờ khai yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (trong đó phải có Danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu) làm theo mẫu số: 04-NH (02 bản);
– Mẫu nhãn hiệu (9 mẫu kèm theo, ngoài 1 mẫu được gắn trên Tờ khai);
– Tài liệu chứng minh quyền đăng ký (giấy đăng ký kinh doanh, hợp đồng thỏa thuận, thư xác nhận, thư đồng ý, quyết định hoặc giấy phép thành lập, điều lệ tổ chức) (01 bản);
– Giấy ủy quyền nộp đơn, nếu có (01 bản);
– Chứng từ nộp lệ phí nộp đơn (01 bản);
– Đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận còn phải có Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể/ Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;
– Tài liệu chứng minh quyền sử dụng/đăng ký nhãn hiệu chứa các dấu hiệu đặc biệt (tên, biểu tượng, cờ, huy hiệu, của cơ quan, tổ chức, dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành, tên nhân vật, hình tượng, tên thương mại, chỉ dẫn xuất xứ, giải thưởng, huy chương, hoặc ký hiệu đặng trưng của sản phẩm, dấu hiệu thuộc phạm vi bảo hộ của kiểu dáng công nghệ của người khác) (01 bản).
Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu
Cá nhân, tổ chức có thể nộp hồ sơ đăng ký nhãn thiệu thông qua 03 cách:
– Cách 1: Nộp đơn trực tiếp tại một trong 03 nơi sau:
+ Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam;
+ Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh;
+ Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Đà Nẵng.
– Cách 2: Nộp đơn thông qua hệ thống bưu điện đến trụ sở của Cục Sở hữu trí tuệ hoặc Văn phòng đại diện Cục sở hữu trí tuệ.
– Cách 3: Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trực tuyến: Người nộp đơn cần có chứng thư số và chữ ký số, đăng ký tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản.
Bước 4: xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu
Sau khi Cục sở hữu trí tuệ tiếp nhận đơn sẽ tiến hành thẩm định theo quy trình sau:
Một: Thẩm định hình thức:
– Thời gian 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.
– Sau khi tiếp nhận đơn đăng ký, Cục sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành kiểm tra, xem xét đơn đăng ký có tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn (ngôn ngữ, thông tin chủ đơn/đại diện sở hữu trí tuệ, chữ ký…), sẽ tiến hành đánh giá tính đầy đủ và chính xác của đơn theo các yêu cầu về hình thức, về đối tượng loại trừ, về quyền nộp đơn,… để từ đó đưa ra kết luận đơn hợp lệ hay không hợp lệ.
– Nếu đơn đáp ứng các quy định liên quan đến hình thức, Cục sở hữu trí tuệ sẽ ra Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;
– Nếu đơn chưa đáp ứng quy định liên quan đến hình thức, Cục sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo thiếu sót đề nghị người nộp đơn sửa đổi/bổ sung để hoàn chỉnh về mặt hình thức hoặc ra Quyết định từ chối chấp nhận đơn bằng văn bản.
Hai: Công bố đơn:
– Thời gian 02 tháng kể từ ngày Quyết định chấp nhận đơn.
– Nhãn hiệu sau khi có Quyết định chấp nhận đơn sẽ được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp với các nội dung như Các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ ghi trong thông báo chấp nhận đơn hợp lệ (ngày nộp đơn, tên và địa chỉ của người nộp đơn, tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp,…); Mẫu nhãn hiệu, màu sắc bảo hộ và danh mục hàng hóa, dịch vụ đăng ký. Việc công bố đơn là để người thứ ba nếu có ý kiến phản đối việc bảo hộ nhãn hiệu công bố, có thể có ý kiến với Cục sở hữu trí tuệ để xem xét. Tuy nhiên, trong thời gian này Cục sở hữu trí tuệ cũng thẩm định nội dung (thẩm định khả năng đăng ký của nhãn hiệu).
Ba: Thẩm định nội dung đơn:
– Thời gian 09 tháng kể từ ngày đơn được công bố.
– Sau khi đơn được công bố, đơn nhãn hiệu sẽ được xem xét về khả năng đăng ký.
– Cục Sở hữu trí tuệ xem xét các điều kiện đăng ký nhãn hiệu Nếu nhãn hiệu đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, Cục sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo đề nghị người nộp đơn đóng phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, sau khi người nộp đóng phí xong thì Cục sở hữu trí tuệ sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
– Nếu nhãn hiệu không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, Cục sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo kết quả thẩm định nội dung và đưa các lý do, căn cứ từ chối đơn.
* Lưu ý: Người nộp đơn phải trả lời Thông báo kết quả thẩm định nội dung của Cục sở hữu trí tuệ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nhận thông báo.
Bước 5: Nhận giấy chứng nhận đăng ký
Sau khi có thông báo cấp văn bằng, người nộp đơn sẽ nộp thêm phí cấp văn bằng Cục Sở hữu trí tuệ sẽ cấp văn bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu trong khoảng thời gian từ 2-3 tháng kể từ ngày đóng lệ phí.
4. Thời gian đăng ký nhãn hiệu là bao lâu?
Thời gian đăng ký nhãn hiệu khoảng 12 – 18 tháng kể từ khi có chấp nhận đơn hợp lệ.
Theo quy định thì 12 tháng là hoàn tất việc thẩm định đơn nhãn hiệu nhưng trên thực tế khoảng thời gian này thường bị kéo dài hơn 12 tháng.
5. Phí, lệ phí đăng ký nhãn hiệu là bao nhiêu?
Mức phí được quy định tại thông tư số 263/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016
Mọi thông tin cần hỗ trợ liên quan pháp luật về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
- Công ty Luật Việt Việt
- Web: https://luatvietviet.vn
- Email/facebook: luatvietviet@gmail.com
- Điện thoại, Zalo: 0987.706.103
- Hotline: 1900 868 639
- Địa chỉ: 334 Đại lộ Bình Dương, Phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
==> XEM THÊM:
THỦ TỤC KHAI NHẬN DI SẢN THỪA KẾ THEO DI CHÚC
THỦ TỤC TẶNG CHO QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT GIỮA NGƯỜI THÂN TRONG GIA ĐÌNH ĐƯỢC THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO?