THẾ CHẤP TÀI SẢN LÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CỦA HỘ GIA ĐÌNH CÓ THÀNH VIÊN LÀ NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN THỰC HIỆN THẾ NÀO?
Nền kinh tế ngày một phát triển, các giao dịch dân sự diễn ra ngày càng nhiều, kéo theo đó rủi ro phát sinh cũng ngày một tăng cao. Do đó, nhằm đảm bảo lợi ích chính đáng giữa các bên thì biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ luôn được đề cao. Trong khuôn khổ bài viết này, Luật Việt Việt sẽ đề cập đến một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đó là “thế chấp tài sản” và làm thế nào để thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất của hộ gia đình có thành viên là người chưa thành niên.
1. Thế chấp tài sản là gì? – Luật Việt Việt
Căn cứ theo quy định tại Điều 317, Bộ luật dân sự 2015 thì thế chấp là:
Thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia.
2. Điều kiện để được thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất gồm những gì? – Luật Việt Việt
Căn cứ theo quy định tại Điều 188, Luật đất đai năm 2013 thì điều kiện để được thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất là:
– Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
– Đất không có tranh chấp;
– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án;
– Đất vẫn đang còn trong thời hạn sử dụng;
– Phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
3. Điều kiện để được thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất của hộ gia đình? – Luật Việt Việt
Căn cứ theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì điều kiện để thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất của hộ gia đình bao gồm:
Ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện để được thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai (đã trình bày ở trên), thì còn phải tuân thủ quy định về tài sản sở hữu chung của các thành viên gia đình, cụ thể:
– Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận.
– Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Như vậy khi thế chấp tài sản chung của hộ gia đình là quyền sử dụng đất thì phải được tất cả những thành viên có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có tên trong sổ hộ khẩu vào thời điểm cấp giấy chứng nhận đồng ý.
4. Thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất của hộ gia đình có thành viên là người chưa thành niên thực hiện thế nào?- Luật Việt Việt
Căn cứ theo quy định tại Điều 21, bộ luật Dân sự năm 2015 thì độ tuổi tham gia giao dịch dân sự là:
– Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
– Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
– Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
– Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Kết luận: Khi thế chấp tài sản chung của hộ gia đình là quyền sử dụng đất thì người từ đủ 18 tuổi trở lên sẽ trực tiếp ký hoặc ủy quyền cho người khác ký thay mình.
Trường hợp đối với người dưới 15 tuổi phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Còn đối với người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi nếu là đất đai phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý (họ ký vào văn bản, rồi người đại diện ký xác nhận đồng ý).
Trên đây là bài viết của Luật Việt Việt chia sẻ đến Quý khách hàng. Mọi thông tin cần hỗ trợ liên quan pháp luật Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
- Công ty Luật Việt Việt
- Web: https://luatvietviet.vn
- Email/Facebook: luatvietviet@gmail.com
- Điện thoại, Zalo: 0987.706.103
- Địa chỉ: 334 Đại lộ Bình Dương, Phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Xem thêm:
CHA MẸ MUA NHÀ RIÊNG CHO CON GÁI MÀ KHÔNG CHO CON RỂ ĐƯỢC KHÔNG?
2 bình luận
Cho em hỏi, theo Khoản 2 Điều 325 Bộ luật dân sự 2015 có quy định :”Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì khi xử lý quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng đất trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của mình; quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp trong mối quan hệ với chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao cho người nhận chuyển quyền sử dụng đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Vậy nếu một người thế chấp quyền sử dụng đất của mình cho ngân hàng mà các tài sản gắn liền với đất không thuộc quyền sở hữu của họ thì khi tài sản bị xử lí ngân hàng chỉ được bán đấu giá mảnh đất thôi phải không ạ?. Nhưng nếu bán đấu giá mảnh đất mà quyền sử dụng đất đó lại bị ảnh hưởng bởi quyền bề mặt (của chủ các tài sản gắn liền với đất) thì khả năng bán được sẽ không cao. Vậy điều này có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu phải không ạ? Em xin cảm ơn!
Trường hợp 1: Khi thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì tài sản được xử lý bao gồm cả tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp 2: Khi thế chấp quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì khi xử lý quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng đất trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của mình; quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp trong mối quan hệ với chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao cho người nhận chuyển quyền sử dụng đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác