Tình huống: Vào buổi tối, Cường lẻn sang vườn dừa nhà ông Phú hái trộm. Cùng lúc ấy, dưới gốc dừa, anh Tín và chị Diệp đang ngồi tâm sự với nhau. Khi Cường đang hái một chùm dừa 3 quả thì bị ông Phú phát hiện và xua đuổi, Cường vội buông quả dừa, bám lấy cây định trèo xuống bỏ trốn. Chùm dừa rơi xuống đầu anh Tín làm anh Tín cắn phải lưỡi chị Diệp, chị Diệp đã chết trên đường đến bệnh viện cấp cứu do mất máu. Trách nhiệm của Cường, anh Tín và ông Phú đối với cái chết của chị Diệp sẽ được xác định như thế nào?
Quan điểm thứ nhất: Việc gây ra cái chết của chị Diệp là do lỗi (vô ý) của Cường. Do vậy, cần truy tố Cường về tội “vô ý làm chết người”. Bên cạnh đó Cơ quan điều tra xem xét hành vi của Cường, nếu hành vi ăn trộm dừa của Cường đã đủ dấu hiệu cấu thành tội “trộm cắp tài sản” thì cũng cần phải được xử lý.
Quan điểm thứ hai: Chỉ nên xem xét trách nhiệm của ông Phú và Cường vì chỉ 2 người này mới có lỗi trong việc gây ra cái chết của chị Diệp. Riêng anh Tín, tuy trực tiếp cắn lưỡi nhưng không có lỗi trong việc gây ra cái chết của chị Diệp.
Phân tích: Trong tình huống trên rất khó để xác định một cách rõ ràng ai là người gây ra cái chết của chị Diệp. Trước khi đưa ra quan điểm của cá nhân tôi về tình huống này, hãy cùng điểm qua về ý kiến của một số luật gia như sau:
Theo một luật gia: Cường có tội bởi lẽ, việc anh ta có hành vi lén lút vào hái trộm dừa của nhà hàng xóm là hành vi trái pháp luật, xâm phạm vào quyền sở hữu của công dân, mặt khác khi buông quả dừa rơi xuống kể cả cố ý hay vô ý thì anh ta buộc phải nhận thức được rằng có thể hành vi đó gây nguy hiểm cho người đang ở dưới (nếu có), vì trời tối anh ta cũng không biết được có người hay không có người ở dưới, việc anh Tín cắn lưỡi chị Diệp là hoàn toàn ngoài ý muốn chủ quan do vậy anh Tín không có lỗi trong trường hợp này (Trong khoa học pháp lý gọi đây là “sự kiện bất ngờ”), nguyên nhân sâu xa dẫn đến cái chết của chị Diệp là do hành vi vô ý của Cường, do vậy có thể xác định Cường có tội và phải truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh “vô ý làm chết người”, còn hành vi ăn trộm dừa đã đủ cấu thành tội danh “trộm cắp tài sản”, tuy nhiên nếu là phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, và tài sản trộm cắp giá trị không lớn thì có thể miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và xử lý hành chính.
Theo một luật gia khác: Ông Phú dĩ nhiên là không có tội, vì việc bảo vệ tài sản cá nhân là quyền lợi và trách nhiệm, không bắt buộc mỗi cây dừa phải có rào hoặc cảnh báo nguy hiểm (vì trồng trong vườn nhà, ai đi vào ban đêm cũng nhận biết là nguy hiểm). Chưa kể là anh Tín và chị Diệp vào vườn ông Phú tâm sự có xin phép hay không? Anh Tín dù là nguyên nhân, tác động trực tiếp gây ra cái chết cho chị Diệp nhưng trường hợp trên là “bất khả kháng”, không buộc anh phải biết trước, vì theo hành động hôn đơn thuần chắc chắc ai cũng biết là không gây ra sự nguy hiểm nào, vì vậy không đủ cấu thành tội phạm. Nguyên nhân sâu xa vẫn là do Cường buông tay làm dừa rơi trúng và làm tác dụng một ngoại lực nên xảy ra sự việc. Hành vi lén lút vào vườn dừa của Cường để trộm cắp đã vi phạm pháp luật về quyền sở hữu, ngoài ra việc thả dừa rơi từ trên cao xuống là việc nguy hiểm, tuy không bắt buộc phải biết là có người ngồi bên dưới, ví dụ như không phải anh Tín và chị Diệp ngồi bên dưới mà là ông chủ nhà đi kiểm tra và bị dừa rơi trúng đầu bị chết thì Cường vẫn phải chịu tội “vô ý làm chết người”.
Trong tất cả ý kiến, quan điểm đã được nêu ra ở trên thì đều khẳng định rằng Cường có lỗi. Theo cách nghĩ của nhiều người thì “luật gia là người hiểu biết về pháp luật”. Trường hợp này mà các luật gia đều theo hướng “buộc” tội cả, trong khi không ai “gỡ” cho Cường thì cũng hơi lạ. Câu hỏi được đặt ra ở đây là để gỡ tội hoặc biện luận cho mình, chắc bản thân Cường phải tự làm hoặc có nhờ thì có thể phải nhờ người không thông thạo pháp luật mới họa may thoát được tội?
Quan điểm cá nhân: Không thể nói ông Phú có trách nhiệm với cái chết của chị Diệp, bởi ông ta không biết và không buộc phải biết khi xua đuổi trộm quả dừa sẽ rơi trúng đầu anh Tín. Đó là chưa kể đến trường hợp liệu anh Tín và chị Diệp vào vườn dừa của ông Phú tâm sự có được phép hay không? Cường đã vi phạm pháp luật trong việc trèo hái trộm dừa, tuy nhiên, anh ta cũng không thể biết và không buộc phải biết hành vi đó có thể gây chết người. Việc anh ta buông quả dừa là nằm ngoài ý muốn chủ quan của mình. Anh ta cũng không hề biết quả dừa sẽ rơi trúng đầu anh Tín, khiến anh Tín cắn lưỡi chị Diệp. Do vậy, xét đến cùng Cường không có lỗi trong cái chết của chị Diệp. Anh Tín là người trực tiếp cắn vào luỡi chị Diệp và chị Diệp chết. Tuy nhiên, đây là việc anh Tín không hề biết trước và cũng không mong muốn hậu quả xảy ra. Việc quả dừa rơi trúng đầu trong tình huống này là “sự kiện bất ngờ”. Anh Tín bị tác động bởi nguyên nhân khách quan, không thể có sự lựa chọn khác trong tình huống này nên không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, anh Tín sẽ là người phải chịu nhiều dằn vặt về lương tâm nhất trong tình huống này.
Từ những căn cứ trên, tôi cho rằng không nên đưa ra vấn đề xử lý trách nhiệm hình sự trong tình huống trên, lý do đơn giản là ông Phú, Cường và anh Tín đều không có lỗi trong việc gây ra cái chết đối với chị Diệp, không xác định được lỗi thì dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ không thỏa mãn.
Trên đây là chia sẽ của Luật Việt Việt gửi đến Qúy bạn đọc. Mọi thông tin cần hỗ trợ liên quan đến pháp luật, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
- Công ty Luật Việt Việt
- Web: https://luatvietviet.vn
- Email: luatvietviet@gmail.com
- Điện thoại, Zalo: 0987.706.103
- Địa chỉ: 334 Đại lộ Bình Dương, Phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
XEM THÊM CÁC BÀI VIẾT KHÁC:
HÀNH VI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI HÀNH VI KHÔNG ĐỘI MŨ BẢO HIỂM KHI THAM GIA GIAO THÔNG